PropTech là gì? Xu hướng ứng dụng PropTech trong ngành bất động sản tại Việt Nam

Aug 11, 2024 33 mins read

PropTech (Property Technology) là khái niệm dùng để chỉ việc các cá nhân, doanh nghiệp áp dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản nhằm đơn giản hóa các hoạt động như tiếp cận khách hàng; quản lý danh mục hoặc mua bán, cho thuê…

Các cấu phần của mô hình PropTech và ứng dụng trong ngành Bất động sản

Mô hình cơ bản của PropTech gồm có 3 cấu phần chính:

Proptech

3 cấu phần chính của Proptech
1. Real Estate FinTech – Công nghệ tài chính cho bất động sản

Real Estate FinTech – Công nghệ tài chính cho bất động sản là việc các chủ đầu tư bất động sản sử dụng các ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, đầu tư tài chính. Các ứng dụng này giúp cho việc trao đổi, mua bán bất động sản trở nên hiệu quả hơn so với cách thức truyền thống. Trong những năm gần đây, các ứng dụng thanh toán này đang hứa hẹn trở thành xu hướng tất yếu của thị trường. Một số ví dụ cụ thể của việc áp dụng Real Estate Fintech trong ngành bất động sản có thể kể tới như:

  • Kênh hỗ trợ vốn: Ứng dụng Fintech trong các ngành và trong bất động sản nói riêng đóng vai trò như một kênh hỗ trợ vốn hiệu quả thông qua các mô hình áp dụng nền tảng công nghệ số. Một số giải pháp tham khảo có thể kể đến như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Trong mô hình này, người đi vay và người cho vay kết nối trực tiếp với nhau và không cần thông qua một tổ chức tín dụng hay ngân hàng nào. Việc này giúp thay thế hoạt động cung ứng vốn của ngân hàng với thủ tục và thời gian ra quyết định cho vay nhanh gọn từ 1 -2 ngày làm việc.
  • Kênh thanh toán: Fintech có thể đóng vai trò như một kênh thanh toán với việc ứng dụng công nghệ cho phép phép các ngân hàng, hiệp hội tín dụng và người thế chấp thẩm định và cho vay nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, fintech trong bất động sản cũng cung cấp các dịch vụ phần mềm quản lý tài sản để tiến hành và tự động hóa việc thu thập và xử lý thanh toán mua bán bất động sản.
  • Kênh tham chiếu đầu tư: Một số công ty Fintech đã phát triển các tính năng hỗ trợ tham chiếu đầu tư cho kênh BDS như đầu tư tài chính, thanh toán và tín dụng một cách linh hoạt, minh bạch nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho mọi đối tượng sử dụng. Đặc biệt, khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin dự án qua các tính năng bao gồm: tiện ích, căn hộ mẫu, ảnh 360 độ, giá bán, vật liệu hoàn thiện…
2. Smart Real Estate – BĐS thông minh

Là một mảnh ghép không mới mẻ nhưng rất tiềm năng của PropTech, bất động sản thông minh được coi là xu hướng tất yếu của các đô thị trong tương lai. Về cơ bản, đây là mô hình với các nền tảng bất động sản vận hành dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ có phạm vi nhỏ như một căn hộ đơn lẻ hoặc cả một thành phố thông minh. Thông qua đó, giúp nâng cao hiệu suất, gia tăng trải nghiệm khách hàng và giảm chi phí hoạt động.

Bất động sản thông minh giúp tạo ra các ưu thế bán hàng hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư cũng như cung cấp thêm các lý do lựa chọn cho người tiêu dùng thông qua việc kiến tạo môi trường sống thông minh: Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, quản lý năng lượng thông minh, bãi đỗ xe thông minh, an ninh thông minh, kiểm soát ra vào thông minh…

Một ví dụ về bất động sản thông minh có thể kể tới TechnoPark Tower, tòa nhà 45 tầng tại Vinhomes Ocean Park được xếp trong top 10 tòa nhà thông minh nhất thế giới. Tòa nhà được trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời và có các bể nước mưa để tái sử dụng tưới cây, vệ sinh tòa nhà. Bên cạnh đó, tòa nhà được trang bị hệ thống HVAC thông minh kiểm soát, đo lường và tự điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, nhằm đảm bảo bầu không khí luôn sạch ở mức tốt nhất và sử dụng AI và IoT trong vận hành và quản lý toà nhà. Với các ưu thế tiên phong, TechnoPark hứa hẹn sẽ là điểm đến mới của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam và quốc tế (1).

 
Bài đọc nhiều nhất
Internet of Thing 11/08/2024
3. Sharing Economy – Nền kinh tế chia sẻ

Là một trong ba phân khúc chính còn lại của PropTech, nền kinh tế chia sẻ là mô hình thị trường dựa trên sự chia sẻ và sử dụng chung bất động sản của cộng đồng. Những người chủ sở hữu tài sản sẽ chia sẻ quyền truy cập cũng như sử dụng tài sản đó trong một thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn thông qua sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ. Thông qua đó hình thành hệ sinh thái dịch vụ và mang lại giá trị cho tất cả các bên tham gia cũng như người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực bất động sản, nền kinh tế chia sẻ giúp cắt giảm chi phí cho tất cả các bên liên quan, tối đa hóa lợi nhuận từ các bất động sản nhàn rỗi, giảm thiểu tương tác và chi phí quản lý không cần thiết nhờ hệ thống quản lý tập trung. Các mô hình kinh tế chia sẻ phổ biến trên thế giới có thể kể tới như:

  • Co-Living: Co-living là nền tảng giúp chia sẻ không gian nhà ở nhàn rỗi với những người có nhu cầu, thông qua việc đăng tải trên các nền tảng hỗ trợ. Ví dụ, bạn sở hữu một căn hộ nhưng sẽ đi công tác xa trong 2 tháng tới, thay vì để căn hộ nhàn rỗi thì bạn có thể đăng thông tin cho thuê nhà trong 2 tháng đó trên các nền tảng Co-Living để kiếm thêm thu nhập. Ví dụ nổi bật nhất cho mô hình Co-Living có thể kể tới Airbnb – Nền tảng cho thuê Co-living từng làm rung chuyển toàn bộ ngành khách sạn. Airbnb (AirBed and Breakfast) là mô hình kết nối những người có nhu cầu thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có bất động sản cho thuê khắp nơi trên thế giới. Trong mô hình này, tất cả các thao tác từ tìm kiếm, đặt phòng, thanh toán… sẽ được thực hiện trên ứng dụng di động, mang lại một trải nghiệm mới mẻ, thuận tiện và vô cùng nhanh chóng cho khách hàng. Điều này giúp Airbnb tạo ra một tác động rất lớn trong thị trường cho thuê phòng nghỉ, khách sạn. Theo một nghiên cứu của trường đại học Boston, khi Airbnb tăng 10%, ngành khách sạn truyền thống giảm 0,37%(2).
  • Co-working: Co-working là mô hình môi trường làm việc mở nơi nhiều công ty hoặc nhiều người từ các công ty khác nhau cùng chia sẻ một không gian văn phòng, cùng sử dụng trang thiết bị trong không gian chung do một công ty cung cấp. Với hình thức này, bạn có thể thuê một bộ bàn ghế làm việc riêng lẻ hoặc thuê cả một văn phòng mà không phải trả toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu. Có rất nhiều mô hình Co-working nổi tiếng trên thế giới, trong đó WeWork là một trong những cái tên tiêu biểu. WeWork Inc. là nhà cung cấp các không gian làm việc chung, bao gồm cả không gian chung thực và ảo, có trụ sở chính tại Thành phố New York. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, công ty đã vận hành 4.160.000 m2 không gian, bao gồm 1.840.000 m2 ở Hoa Kỳ và Canada, tại 150 thành phố ở 38 quốc gia. Đây được coi là mô hình Co-Working thành công nhất ở thời điểm hiện tại(3).

Tiềm năng ứng dụng PropTech tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, ngành bất động sản không nằm ngoài xu hướng Chuyển đổi số và việc nở rộ các mô hình PropTech trở nên mạnh mẽ tại cả Việt Nam và quốc tế. Theo một số nghiên cứu, tính đến quý III/2021 các công ty Bất động sản trên thế giới đã rót tới 7.1 tỉ USD vốn vào các PropTech toàn cầu, tăng 122% so với cả năm 2020. Tại khu vực châu Á nói riêng, trong nửa đầu năm 2021 đã có 14 thương vụ PropTech gọi vốn thành công(3).

Tại thị trường Việt Nam, theo thống kê hiện có khoảng 60 công ty PropTech đang hoạt động tính tới đầu năm 2021, trong đó 80% nền tảng được rót vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng riêng năm 2021, ước tính các PropTech Việt Nam đã gọi vốn được hơn 40 triệu USD, con số cao nhất trong 05 năm trở lại đây. Việc thu hút vốn đầu tư với con số hàng chục triệu USD bước đầu cho thấy tiềm năng và tính khả thi cho mô hình PropTech tại Việt Nam. Tuy nhiên việc lựa chọn các công nghệ và mô hình phù hợp với hoạt động cũng là điều mà các start – up PropTech cần cân nhắc để có thể sử dụng vốn đạt hiệu quả cao nhất. Một đội ngũ tư vấn giàu kiến thức và kinh nghiệm về bất động sản có thể là nhân tố hỗ trợ tốt nhất, đặt nền móng cho ứng dụng PropTech thành công tại Việt Nam.

Image NewsLetter
Newsletter

Đăng Ký Nhận Bản Tin Chuyển Đổi Số

Nhận ngay những cập nhật, chiến lược và giải pháp mới nhất từ R2 Holdings để dẫn đầu trong kỷ nguyên số.