Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản

Aug 13, 2024 40 mins read

Quá trình chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh nông sản đang diễn ra mạnh mẽ, tác động tích cực lên các hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Việc áp dụng công nghệ tự động hóa và các công nghệ số như Internet vạn vật (IoT), Thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) có tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Khoa học dữ liệu (Data Science)…

Với sự phát triển của các nền tảng Logistics và giao dịch trực tuyến cùng xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng, thị trường và chuỗi cung ứng nông sản có những cơ hội đột phá song hành với các thách thức cần vượt qua để hướng đến nền kinh tế nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững. 

1. Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản là gì?

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản được hiểu là quá trình tích hợp, áp dụng công nghệ số vào toàn bộ các hoạt động từ tổ chức quản lý, quy trình sản xuất đến kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng, cũng như phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường và người tiêu dùng trong nền kinh tế số nói chung.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết và đưa ra một số ví dụ điển hình về việc áp dụng công nghệ số vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản từ cơ bản đến cao cấp, cụ thể như:

  • Số hóa tiến trình và nhật ký canh tác, từ đó xây dựng hệ thống thông tin quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn nội địa cũng như quốc tế về sản xuất an toàn và bền vững.

  • Xây dựng hệ thống điều khiển vận hành mô hình tưới tiêu, chiếu sáng chủ động dựa trên nền tảng công nghệ Internet vạn vật (IoT) cùng các thiết bị thông minh có tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI).

  • Thiết lập chuỗi cung ứng nông sản đa dạng, nhanh chóng và ổn định dựa trên việc vận dụng tích cực các nền tảng giao dịch, thương mại trực tuyến phổ biến Postmart, Lazada và Sendo.

  • Xây dựng nền tảng Dữ liệu lớn (Big Data) chuyên ngành, đồng thời áp dụng Khoa học dữ liệu (Data Science) cho việc phân tích, dự báo sản lượng và biến động về nhu cầu của thị trường nông sản.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong chuyển đổi số ngành nông sản

Hình 1: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong chuyển đổi số ngành nông sản

2. Vai trò và lợi ích của chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản

Quá trình chuyển đổi số đang đóng vai trò tất yếu đối với tổng thể hoạt động kinh tế – xã hội và chính quyền, có phạm vi tác động sâu rộng và mang lại những lợi ích to lớn trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Cụ thể hơn, những lợi ích rõ ràng mà chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản mang lại cho người lao động, doanh nghiệp và quốc gia nói chung có thể kể đến như sau:

Vai trò chính trong Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh nông sản

Hình 2: 4 Vai trò chính trong Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh nông sản

2.1. Tối ưu chi phí

Việc áp dụng công nghệ tự động hóa và điều khiển cùng với các thiết bị thông minh hỗ trợ loại bỏ dần các công việc thủ công, tối giản được chi phí nhân lực thực hiện, chi phí vật tư và sửa chữa sai sót. Hơn nữa, người lao động trực tiếp có điều kiện làm việc trong môi trường thân thiện và an toàn, tiết kiệm được các chi phí xã hội phát sinh. Cùng với đó, sự thúc đẩy hình thức hoạt động kinh doanh và thương mại thông qua các kênh số hiện hành sẽ giảm được các chi phí trung gian, chi phí kho bãi.

2.2. Chủ động trong kế hoạch sản xuất

Đối với các tổ chức kinh tế tập thể và doanh nghiệp, sự thay đổi linh hoạt của phương thức sản xuất góp phần tạo nên khả năng chủ động trong việc lập và điều chỉnh kế hoạch sản lượng. Thêm vào đó, sự bùng nổ của dữ liệu cùng với các mô hình, công cụ phân tích giúp cho tổ chức và doanh nghiệp định hướng hoạt động theo tín hiệu dự báo nhu cầu của thị trường thay vì chỉ sản xuất, kinh doanh những gì mình đang có, chủ động tháo gỡ nút thắt lớn là tình trạng “được mùa, mất giá” của nông sản.

2.3. Tạo lập môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản tạo lập các yếu tố cốt lõi của môi trường kinh doanh lành mạnh. Thứ nhất, thông tin chính xác về nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm được số hóa minh bạch, có khả năng truy xuất nhanh chóng, tăng cường liên kết giữa sản xuất với tiêu dùng. Thứ hai, các tổ chức và doanh nghiệp bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin thị trường, cùng trải nghiệm phương thức hoạt động đồng bộ của chuỗi cung ứng trên các nền tảng giao dịch, thương mại trực tuyến. Thứ ba, Nhà nước, các cơ quan quản lý có thể kiểm soát đầy đủ và ban hành những chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

2.4. Nâng tầm giá trị nông sản xuất khẩu

Trong nỗ lực mở rộng và phát triển hướng đến các thị trường tiêu thụ nông sản quốc tế có giá trị cao nhưng yêu cầu khắt khe không chỉ về hình thức, chất lượng sản phẩm cuối cùng mà còn cả những quy định trong sản xuất bền vững, chuyển đổi số là giải pháp chủ yếu giúp các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận được với những tiêu chuẩn quốc tế để nâng tầm giá trị nông sản xuất khẩu.

3. Những khó khăn khi chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản

Mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số mang lại, tuy nhiên việc thực hiện triển khai chương trình hành động của các tổ chức và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn chung cần tháo gỡ, gồm có:

3.1. Chi phí đầu tư hạn chế

 Chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng công nghệ là rào cản đối với các tổ chức và doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản. Đối với các doanh nghiệp lớn, ngân sách đầu tư cho công nghệ rõ ràng hơn nhưng vẫn có những vướng mắc trong tính toán lợi ích và sắp xếp ưu tiên.

3.2. Thiếu hụt năng lực công nghệ

Nhận thức về chuyển đổi số của người lao động còn hạn chế, thiếu hụt những kỹ năng cần thiết trong tổ chức để tiếp nhận và vận hành hệ thống công nghệ là khó khăn thường trực, có nguy cơ làm gián đoạn quá trình chuyển đổi số.

3.3. Quy mô sản xuất nhỏ, lẻ

Quy mô sản xuất nhỏ, lẻ gắn liền với phương thức truyền thông là thách thức cho việc huy động các nguồn lực nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Cần triển khai các giải pháp thực tế để chuyển đổi cơ bản về mô hình quản lý, tăng cường phối hợp, mở rộng liên kết giữa các tổ chức kinh tế tập thể và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh nông sản.

3.4. Chưa có hoạch định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng

Việc chưa có chiến lược chuyển đổi số đồng bộ và lộ trình chi tiết phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ, gián đoạn quá trình triển khai áp dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

4. Các giải pháp giúp ngành nông sản chuyển đổi số hiệu quả

Tiếp theo các Quyết định về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”. Quyết định quan trọng này khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc cải cách, triển khai thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Để đạt được những mục tiêu cụ thể của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cần sự chung tay, chủ động vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm xóa bỏ rào cản, hỗ trợ người lao động cùng các tổ chức và doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số thông qua các nhiệm vụ.

Các giải pháp của Nhà nước chủ yếu như sau:

  • Đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, nhằm đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ thông tin – truyền thông, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, khu vực nông thôn.

  • Phối hợp với các Tập đoàn công nghệ hàng đầu, chỉ định việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời chủ trì tổ chức các sự kiện, hội thảo thường kỳ để phổ biến, cập nhật, hướng dẫn triển khai các hoạt động của doanh nghiệp trên các nền tảng số.

  • Ban hành, hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ áp dụng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.

  • Thiết lập, mở rộng các kênh truyền thông chính thức nhằm kết nối và chuyển giao công nghệ. Xây dựng khung kỹ năng và chương trình đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số cho tổ chức và doanh nghiệp trong ngành nông sản.

Nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp cùng phối hợp để thực hiện chuyển đổi số

Hình 3: Nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp cùng phối hợp để thực hiện chuyển đổi số

Đối với các tổ chức và doanh nghiệp, cần chủ động lập kế hoạch dài hạn, thực hiện triển khai các chương trình hành động cụ thể: 

  • Phối hợp với các đơn vị tư vấn để xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số, đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông và đào tạo, hướng dẫn thực thi chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, người lao động. Xem xét cơ cấu tổ chức, thành lập bộ phận chuyên trách, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

  • Vận dụng tích cực các nền tảng số hiện hành, tiên phong trong việc triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các nền tảng số quốc gia, ví dụ như nền tảng dữ liệu và phân tích, dự báo thị trường nông sản.

  • Nghiên cứu và thực hiện triển khai các sáng kiến áp dụng công nghệ số từ chính nội bộ của tổ chức, có khả năng mang lại kết quả nhanh chóng và có tính thực tế cao.

  • Xây dựng các chính sách nhân sự tiến bộ, phù hợp và hấp dẫn nhằm thu hút được các nhân tài cho chiến lược phát triển của tổ chức.

 

Image NewsLetter
Newsletter

Đăng Ký Nhận Bản Tin Chuyển Đổi Số

Nhận ngay những cập nhật, chiến lược và giải pháp mới nhất từ R2 Holdings để dẫn đầu trong kỷ nguyên số.